Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 21/9-27/9/2014)
Ngày cập nhật 30/09/2014
Đập đá - sẽ được mở rộng, cải tạo mặt đập

Tập trung xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; 197,9 tỷ đồng phát triển cây cao su tiểu điền huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020; 18 tỷ đồng cải tạo Đập Đá, thành phố Huế; Hướng dẫn bổ sung việc mua sắm xe ô tô theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Quy định tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Hơn 32 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán, thị xã Hương Thủy; Tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; 1,5 tỷ đồng xây dựng công trình ngầm tràn Tân Tưng thôn 3, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới; Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông – xuân; Từ ngày 01/10/2014 đến 30/11/2014 sẽ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 trên địa bàn tỉnh; Từ 05/10/2014 áp dụng quy định mới về trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2014… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 21/9-27/9/2014).

 

 

 

Thành lập Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 22/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành Quyết định số 1893/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22/9/2014 và thay thế Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Quyết định, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban thường trực, 02 Phó Trưởng ban là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 31 Ủy viên khác. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy, điều hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có con dấu, được cấp kinh phí và tài khoản để hoạt động.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, có trụ sở đặt tại số 2B Trần Cao Vân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Tập trung xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hương đoạn qua xã Thủy Bằng

Để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hương đoạn qua xã Thủy Bằng, ngày 22/9/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành Công văn số 5269/UBND-TN yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, các chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp; vi phạm quy định về an toàn giao thông, tổ chức xử phạt hành chính đối với các đối tượng khai thác trái phép. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cố tình lập lại vi phạm cần có giải pháp kiên quyết theo quy định của pháp luật với hình thức xử lý cao nhất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy, Phòng Cảnh sát đường thủy, UBND xã Thủy Bằng, các cơ quan liên quan và 02 doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm và Phú Vĩnh kiểm tra, xác định vị trí các điểm mốc và chôn các điểm mốc theo đúng tọa độ đã được UBND tỉnh cấp phép cũng như việc chấp hành các quy định tại Giấy phép khai thác, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 05/10/2014. Nếu sau ngày 05/10/2014, 02 Doanh nghiệp Tuyết Liêm và Phú Vĩnh vẫn không thực hiện nội dung nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh tạm đình chỉ khai thác đối với 02 Doanh nghiệp này. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Thanh tra – Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương và lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo chức năng nhiệm vụ được giao; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 139/TB-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2014 về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi họp nghe báo cáo công tác xử lý khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Hương thuộc địa bàn xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy tập trung chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý địa bàn, giải quyết dứt điểm các điểm “nóng” về khai thác cát, sỏi trái phép; có giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 30/3/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm vi phạm về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết xử lý đối với những trường hợp khai thác cát trái phép, thu tiền chủ phương tiện trái phép.

 

Tập trung xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ven biển thuộc địa bàn xã Vinh Thanh, xã Phú Hải - huyện Phú Vang

Ngày 22/9/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ký ban hành Công văn số 5271/UBND-TN yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép, các chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn giao thông, tổ chức xử phạt hành chính đối với các đối tượng khai thác trái phép. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cố tình lập lại vi phạm cần có giải pháp kiên quyết theo quy định của pháp luật với hình thức xử lý cao nhất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Thanh tra – Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo chức năng nhiệm vụ được giao; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Vang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban liên quan và UBND các xã: Vinh Thanh, Phú Hải tăng cường công tác quản lý, đấu tranh và xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép có nguy cơ gây sạt lở bờ biển tại xã Vinh Thanh và xã Phú Hải. Cương quyết xử lý vi phạm, đồng thời cần tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại do việc khai thác cát tại bờ biển ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân; xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn mình quản lý; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh trong quá trình xử lý.

 

Xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn mình quản lý

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại Công văn số 5268/UBND-TN, ngày 22/9/2014.

Theo đó,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẩn trương chỉ đạo các phòng ban liên quan và UBND xã Vinh Hải tăng cường công tác quản lý, đấu tranh và xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép tại xã Vinh Hải. Cương quyết xử lý vi phạm, đồng thời cần tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại do việc khai thác cát tại bờ biển ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân; xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn mình quản lý.

 

197,9 tỷ đồng phát triển cây cao su tiểu điền huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020

Theo Quyết định số 1894/QĐ-UBND vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu ký ban hành, đề án phát triển cây cao su tiểu điền huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt với tổng khai toán thực hiện đề án là 197,9 tỷ đồng (trong đó đầu tư trồng mới là 46,3 tỷ đồng và đầu tư chăm sóc là 151,6 tỷ đồng) và được thực hiện trên địa bàn 21 xã, thị trấn thuộc huyện A Lưới.

Đề án được triển khai thực hiện nhằm phát triển cây cao su tiểu điền trên địa bàn huyện A Lưới phù hợp với quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tất cả các hộ gia đình là nông dân sinh sống và có hộ khẩu trên địa bàn huyện A Lưới, có đất nằm trong vùng quy hoạch trồng cao su đã được phê duyệt đều được tham gia đề án. Đề án sẽ áp dụng các chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ cho người dân trồng mới cây cao su và chăm sóc trong thời kỳ kiến thiết cơ bản trên địa bàn huyện A Lưới.

 

18 tỷ đồng cải tạo Đập Đá, thành phố Huế

Ngày 23/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành Công văn số 5320/UBND-XDHT thống nhất quy mô đầu tư dự án Cải tạo Đập Đá, thành phố Huế.

Dự án cải tạo Đập Đá, thành phố Huế do Ban Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 18 tỷ đồng, được thực hiện trong 02 năm.

Dự án cải tạo Đập Đá được thực hiện nhằm cải thiện môi trường, chất lượng nước và bổ sung nguồn nước tưới cho đất nông nghiệp cho toàn bộ hệ thống sông Như Ý; Tăng cường khả năng thoát lũ cho hệ thống sông vùng Nam sông Hương, đồng thời mở rộng mặt đập bảo đảm an toàn giao thông đường bộ qua Đập Đá.

 

Hướng dẫn bổ sung việc mua sắm xe ô tô theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ

Thực hiện Công văn số 12274/BTC-QLCS ngày 03/9/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn bổ sung việc mua sắm xe ô tô theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ, ngày 24/9/2014, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5355/UBND-TC yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua sắm xe ô tô phục vụ công tác chung trong trường hợp cơ quan, đơn vị thành lập mới hoặc do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe ô tô phục vụ công tác gồm: Xe bị tai nạn (bao gồm cả tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên gây ra như: bão, lũ, mưa đá, cây đổ…) dẫn đến hư hỏng không đủ điều kiện tham gia giao thông; Xe bị mất mà không tìm thấy trong các trường hợp phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Sau khi rà soát, sắp xếp lại, sử dụng hiệu quả tối đa số xe hiện có trong phạm vi địa phương nhưng không đủ để bố trí cho cơ quan, đơn vị;

- Đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.

- Nguồn kinh phí mua xe: Tự sắp xếp, cân đối trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 được giao.

Việc mua sắm xe ô tô phải được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Hồ sơ để làm căn cứ xem xét việc mua xe gồm:

- Công văn đề nghị của của cơ quan, đơn vị gửi Ủy ban nhân dân tỉnh đồng gửi Sở Tài chính;

- Quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền đối với cơ quan, đơn vị thành lập mới;

- Xác nhận của cơ quan đăng kiểm đối với xe ô tô bị tai nạn dẫn đến hư hỏng không đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

- Xác nhận của cơ quan công an hoặc các cơ quan khác có liên quan đối với xe ô tô bị mất mà không tìm thấy;

- Hồ sơ khác liên quan (nếu có).

Toàn bộ hồ sơ trên được gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, thẩm định báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định hiện hành.

Các trường hợp khác không thuộc hai trường hợp nêu trên, việc mua sắm tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại Công văn số 1442/UBND-TC ngày 25/3/2014 về việc mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2014.

 

Quy định tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Quyết định số 1906/QĐ-UBND vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu ký ban hành, cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải đảm bảo các tiêu chí bắt buộc sau:

1. Phù hợp với quy hoạch của địa phương về: Phát triển kinh tế xã hội; sử dụng đất; tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp; nông thôn mới và các quy hoạch khác.

2. Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và đảm bảo phát triển bền vững.

3. Có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sau đây:

- Liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân.

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân.

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân.

- Liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

4. Quy mô diện tích cây trồng của cánh đồng lớn:

- Cây trồng gồm:  Lúa, lạc, bưởi Thanh trà, rau các loại (lá, quả).

- Diện tích cây trồng sản xuất theo cánh đồng lớn phải là vùng sản xuất tập trung, có quy mô diện tích như sau:

+  Đối với cây lúa: Ít nhất 20ha, sản xuất lúa giống: ít nhất 10ha.

+  Đối với cây lạc: Ít nhất 10ha.

+  Đối với rau các loại: Ít nhất 5ha.

+  Đối với bưởi Thanh trà: Ít nhất 3ha.

- Vùng sản xuất tập trung đối với cây lúa là cánh đồng được tạo bởi các thửa ruộng liền bờ, liền khoảnh; đối với cây lạc, cây rau là diện tích lạc, rau được phân bố gần kề trên cùng một khu vực canh tác; đối với cây bưởi Thanh trà là các vườn cây liên tục nằm ngoài khu vực vườn nhà.

Ngoài ra, Quyết định còn quy định các tiêu chí khuyến khích sau:

1. Cánh đồng lớn có hạ tầng kinh tế như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện và những công trình phục vụ sản xuất khác đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

2. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; công nghệ tiên tiến (sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP…) và có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất.

 

Hơn 32 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán, thị xã Hương Thủy

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Quyết định số 1905/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán, thị xã Hương Thủy với tổng mức đầu tư của dự án là 32.199 triệu đồng, dự án do Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư và thực hiện trong 3 năm.

Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, thu hút đầu tư, khai thác dịch vụ, du lịch góp phần phát triển kinh tế xã hội. Dự án sẽ thu hồi, bồi thường khoảng 10.400m2 đất các loại, cây trồng các loại, lăng mộ, tường rào và một số công trình kiến trúc khác.

 

Tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh

Ngày 23/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5302/UBND-CT giao Sở Công Thương tổ chức làm việc với Công an tỉnh để nắm bắt tình hình thực tế hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh và thống nhất các nội dung quy chế phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh theo loại hình bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương thông tin cho các địa phương về tình hình hoạt động bán hàng đa cấp, tổ chức phổ biến quy định của pháp luật liên quan và triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ.

 

1,5 tỷ đồng xây dựng công trình ngầm tràn Tân Tưng thôn 3, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Công văn số 5321/UBND-XDHT thống nhất quy mô đầu tư công trình Ngầm tràn Tân Tưng thôn 3, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,5 tỷ đồng. Công trình do Ban Đầu tư và Xây dựng huyện A Lưới làm chủ đầu tư và thực hiện trong 1 năm.

Công trình Ngầm tràn Tân Tưng thôn 3 được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của người dân trong khu vực và các vùng lân cận.

 

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 23/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành Quyết định số 1901/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở sáp nhập Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo của tỉnh).

Theo Quyết định, Ban chỉ đạo của tỉnh do Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công an tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực; 04 Phó Trưởng ban là Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ông Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh và Ông Lê Quốc Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh và 20 Ủy viên khác.

Ban chỉ đạo của tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.

Giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các chỉ thị, chương trình công tác về  phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng quy chế hoạt động Ban chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tổng hợp và định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho 09 trường mầm non

Theo Quyết định số 1916/QĐ-UBND vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ký ban hành, có 09 trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, trong đó có 02 trường đạt cấp độ 1 và 07 trường đạt cấp độ 2.

02 trường mầm non đạt cấp độ 1 là Trường Mầm non Phú Thuận và Trường Mầm non 8-3 (thành phố Huế). 07 trường đạt cấp độ 2 gồm: Trường Mầm non Vĩnh Ninh; Trường Mầm non Vạn Xuân; Trường Mầm non Vỹ Dạ; Trường Mầm non Hương Lưu (thành phố Huế); Trường Mầm non Hồng Bắc (huyện A Lưới); Trường Mầm non Hương Sơn (huyện Nam Đông) và Trường Mầm non Hương Văn (thị xã Hương Trà).

 

Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thị xã Hương Trà

Nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép ồ ạt trên địa bàn thị xã Hương Trà, ngày 24/9/2014 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành Công văn số 5354/UBND-TN yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4950/UBND-TN ngày 06/9/2014 của UBND tỉnh và các nội dung phản ánh của báo điện tử antv.gov.vn đưa tin ngày 15/9/2014 về tình trạng khai thác cát trái phép ồ ạt ngoài vùng quy hoạch tại vị trí cách chân đập thủy điện Hương Điền khoảng 500m thuộc địa bàn Phường Hương Vân và báo Tài nguyên & Môi trường đưa tin ngày 16/9/2014 về tình trạng người dân ồ ạt khai thác cát trái phép ven biển thuộc địa bàn xã Dương Hải, thị xã Hương Trà.

Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và công an thị xã Hương Trà phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, các chủ phương tiện vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp; vi phạm quy định về an toàn giao thông, tổ chức xử phạt hành chính đối với các đối tượng khai thác trái phép. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cố tình lập lại vi phạm cần có giải pháp kiên quyết theo quy định của pháp luật với hình thức xử lý cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Thanh tra – Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương và lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo chức năng nhiệm vụ được giao; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

 

Trường Trung học phổ thông Gia Hội được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 26/9/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ký ban hành Quyết định số 1924/QĐ-UBND công nhận Trường Trung học phổ thông Gia Hội đạt chuẩn quốc gia.

Được biết, năm học 2013-2014, Trường Trung học phổ thông Gia Hội có tỉ lệ học sinh khá giỏi về học lực đạt  38,6 %, là năm học thứ hai có tỉ lệ học tập, hạnh kiểm đạt quy định của trường chuẩn quốc gia. Tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đạt 99,2 % và đậu đại học đợt 1 là 35,6% (195 em), trong đó có 7 thủ khoa, á khoa các ngành.

 

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông – xuân

Thực hiện Công văn số 6284/BYT-DP ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, ngày 26/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5419/UBND-YT gửi các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài chính; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn trên; giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định. Cụ thể:

Các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng chống dịch, có kế hoạch cụ thể triển khai ngay các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát sinh và bùng phát của dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý đối với các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có những hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế và nơi có biến động về dân cư.

Sở Thông tin và Truyền thông và các báo, đài địa phương, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tăng cường phát sóng các thông điệp, khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông – xuân; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học 2014-2015. Thực hiện vệ sinh lớp học thường xuyên, bố trí đủ xà phòng, nước sạch và các phương tiện rửa tay cho học sinh.

Sở Y tế tham mưu kịp thời cho UBND các cấp về các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương; tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, cũng như triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi – rubella, bảo đảm an toàn và đạt tỷ lệ cao trên 95% ở quy mô xã, phường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch không để lây nhiễm sang người.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu; cung cấp đầy đủ phương tiện và bảo hộ cá nhân cho lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch bệnh.

Sở Tài chính có kế hoạch cấp bổ sung kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

 

Từ ngày 01/10/2014 đến 30/11/2014 sẽ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014 trên địa bàn tỉnh

Nhằm xác định chính xác, đầy đủ đối tượng là hộ nghèo, khẩu nghèo, hộ cận nghèo, khẩu cận nghèo theo tiêu chí quy định của Chính phủ tại thời điểm cuối năm 2014 từ thôn/tổ dân phố, xã/phường/thị trấn, để đánh giá hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2014, đồng thời là cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong năm 2015, ngày 22/9/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ký ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2014.

Tiêu chí xác định hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật.

Hộ mới thoát nghèo là hộ nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập cao hơn chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật, bao gồm: Hộ mới thoát nghèo nhưng có mức thu nhập thuộc đối tượng hộ cận nghèo và Hộ mới thoát nghèo có thu nhập cao hơn chuẩn hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật.

Hộ tái nghèo là những hộ trước đây thuộc hộ nghèo, đã thoát nghèo, nhưng do những yếu tố rủi ro dẫn đến mức thu nhập bình quân đầu người/tháng tại thời điểm điều tra, rà soát bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật.

Hộ nghèo mới phát sinh là những hộ trước đây không thuộc hộ nghèo, nhưng do những yếu tố rủi ro dẫn đến mức thu nhập bình quân đầu người/tháng tại thời điểm điều tra, rà soát bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật.

Hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo là hộ nghèo, có ít nhất một thành viên trong hộ còn khả năng lao động.

Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là hộ nghèo nhưng không còn thành viên nào trong hộ có khả năng lao động (hộ không có khả năng thoát nghèo)

Theo Kế hoạch, đối với trường hợp hộ gia đình trên địa bàn phát sinh khó khăn đột xuất trong năm do các yếu tố như tai nạn, rủi ro, ốm đau bệnh tật... cần được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện theo quy trình sau:

- Hộ gia đình có phát sinh khó khăn trong năm có giấy đề nghị trưởng thôn xác nhận và gửi Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, xử lý (theo mẫu).

- UBND cấp xã giao Ban giảm nghèo xã tổ chức thẩm định đề nghị của các hộ gia đình theo đúng các trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 24/2014/TT-BLĐTBXH (bao gồm nhận dạng nhanh đặc điểm hộ gia đình, điều tra thu nhập, tổ chức bình xét tại cộng đồng dân cư); tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, báo cáo UBND huyện phê duyệt.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh của xã, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian thẩm định và xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh không quá 30 ngày kể từ khi tiếp nhận đề nghị của hộ gia đình.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm; hàng quý báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Từ 05/10/2014 áp dụng quy định mới về trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh

Theo Quyết định số 64/2014/QĐ-UBND vừa được UBND tỉnh ban hành, thẩm quyền thu hồi đất được quy định như sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2;

b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 thì Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Quyết định cũng quy định rõ trình tự thu hồi đất, cụ thể như sau:

- Thông báo thu hồi đất: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất có trách nhiệm ban hành thông báo thu hồi đất, gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất và được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư có đất thu hồi.

- Ký hợp đồng thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng: Chủ đầu tư ký hợp đồng với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

- Chuẩn bị hồ sơ địa chính khu đất thu hồi: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với đơn vị đo đạc để thực hiện việc trích đo, trích lục (đối với nơi đã có bản đồ địa chính) hoặc thực hiện việc đo đạc (đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính), lập hồ sơ địa chính phục vụ việc thu hồi đất.

- Kê khai, kiểm kê, xác định nguồn gốc đất đai, tài sản gắn liền với đất: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phát mẫu tờ khai và hướng dẫn người có đất thu hồi kê khai theo quy định.

- Thẩm định điều kiện bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất: Trên cơ sở hồ sơ do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng nộp, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì thẩm định và ban hành văn bản thẩm định điều kiện bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.

- Xác định giá đất để tính tiền bồi thường, giao đất tái định cư: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, tính thu tiền sử dụng đất tái định cư song song với quá trình nộp hồ sơ thẩm định điều kiện bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.

- Lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến góp ý bằng văn bản đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Niêm yết và tiếp nhận ý kiến đóng góp ít nhất là 20 ngày, kể từ ngày đưa ra niêm yết. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và trình cơ quan có thẩm quyền.

- Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hồ sơ thu hồi đất

- Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành Quyết định thu hồi đất

- Công bố Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư được gửi đến người có đất thu hồi và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày có quyết định thu hồi đến thời điểm kết thúc việc thu hồi.

 

Kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2014

Ngày 23/9/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1897/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức năm 2014.

Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển dụng công chức năm 2014 là 47 người, trong đó: chỉ tiêu tuyển dụng công chức vào làm việc tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh là 17 người; và chỉ tiêu tuyển dụng công chức vào làm việc tại các huyện, thị xã Hương Trà và thành phố Huế là 30 người.

Điều kiện dự tuyển công chức phải đảm bảo là người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; và đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.

Người dự thi tuyển sẽ phải dự thi 04 môn sau: môn kiến thức chung, môn nghiệp vụ chuyên ngành, môn Ngoại ngữ và môn Tin học. Trong đó, môn kiến thức chung sẽ thi viết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; thời gian thi 180 phút. Môn nghiệp vụ chuyên ngành sẽ thi về nghiệp vụ chuyên ngành theo yêu cầu của vị trí việc làm, gồm 02 bài thi (01 bài thi viết, thời gian thi 180 phút và 01 bài thi trắc nghiệm, thời gian thi 45 phút). Môn Ngoại ngữ (môn điều kiện) thi viết tiếng Anh; thời gian thi 90 phút. Môn Tin học (môn điều kiện) thi thực hành trên máy; thời gian thi 60 phút.

Người đăng ký dự tuyển công chức sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ mà người dự tuyển có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

Người đăng ký dự tuyển công chức sẽ được miễn thi môn tin học trong trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.

Tin từ: www.thuathienhue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 139.396
Truy câp hiện tại 177