Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 27/7-02/8/2014)
Ngày cập nhật 06/08/2014
Thừa Thiên Huế sẽ hình thành và phát triển các thương hiệu đặc sản của tỉnh (Ảnh minh họa)

Chính thức triển khai áp dụng phần mềm Tiếp công dân, giải quyết đơn thư và khiếu nại tố cáo từ ngày 15/8/2014; Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền; Quy định quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; Sửa đổi, bổ sung quy định tạm thời mức chi cho công tác tổ chức các kỳ thi; quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh; Thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Đình Đôi - Cửa Cạn, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc; Kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015; Triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014-2018; chấn chỉnh tình trạng xe quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên địa bàn tỉnh... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 27/7-02/8/2014).

Chính thức triển khai áp dụng phần mềm Tiếp công dân, giải quyết đơn thư và khiếu nại tố cáo từ ngày 15/8/2014

Ngày 01/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4246/UBND-CNTT giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị thi công hoàn thiện các góp ý của các đơn vị để chính thức áp dụng phiên bản nâng cấp phần mềm Tiếp công dân, giải quyết đơn thư và khiếu nại tố cáo vào ngày 15/8/2014.

Đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị: Thanh Tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế bố trí nhân lực, cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện vận hành phần mềm Tiếp công dân, giải quyết đơn thư và khiếu nại tố cáo từ ngày 15/8/2014. Về cơ sở dữ liệu, yêu cầu cập nhật dữ liệu tiếp công dân, giải quyết đơn thư và khiếu nại tố cáo từ thời điểm 01/01/2013; lưu ý ưu tiên cập nhật các vụ việc chưa xử lý dứt điểm.

 

Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền

UBND tỉnh nhận được Công văn số 1553/BXD-KHTC ngày 08 tháng 7 năm 2014 của Bộ Xây dựng về chủ trương đầu tư một số dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng và sản xuất vật liệu xây dựng của Viglacera; Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh làm việc với Tổng Công ty Viglacera – CTCP xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền mở rộng 300 ha; báo cáo UBND tỉnh kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án trong tháng 8 năm 2014.

 

Quy định quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ-UBND quy định về quản lý chất lượng giống, điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, trình tự thủ tục kiểm tra điều kiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, kiểm dịch giống thủy sản áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định gồm 8 chương, 23 điều và có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2014.

Theo Quyết định, giống trong nuôi trồng thuỷ sản ở quy định này bao gồm giống động, thực vật thuỷ sản nước lợ, mặn; giống động, thực vật thuỷ sản nước ngọt (gọi chung là giống thuỷ sản) phục vụ cho nuôi thương phẩm, nuôi làm cảnh, nuôi giải trí dưới các hình thức: Giống đã được thuần hoá; Giống nhập vào tỉnh; Giống sản xuất nhân tạo từ các cơ sở trên địa bàn tỉnh và Giống khai thác trong tự nhiên.

Quyết định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, trong đó quy định rõ điều kiện đối với cơ sở sinh sản giống thủy sản; Điều kiện đối với cơ sở ương, dưỡng (dịch vụ) giống thủy sản; Điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ; Quy định đối với cơ sở kinh doanh nguồn giống thủy sản nhập khẩu; Quy định về sử dụng thuốc và hóa chất trong sản xuất kinh doanh giống thủy sản.

Quy định về chất lượng giống thủy sản; Kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng giống thủy sản; Kiểm tra, kiểm dịch và xử lý giống không đảm bảo chất lượng; Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở sản xuất giống thủy sản; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

Quyết định còn hướng dẫn ghi nhãn giống thủy sản; hướng dẫn ghi chép hồ sơ; một số quy định đối với giống thủy sản bố mẹ chủ lực và một số biểu mẫu liên quan.

 

Quy định quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 29/7/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND về Quy định quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quy định gồm có 6 chương, 23 điều, áp dụng cho các công trình hạ tầng được xây dựng tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng Dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015. Quy định nêu rõ nguyên tắc chung về quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu bảo dưỡng; tổ chức bàn giao, bảo hành, thành lập tổ vận hành và kinh phí hoạt động; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình; bảo vệ các công trình hạ tầng; phân cấp quản lý; Khen thưởng và kỷ luật.

Theo đó, Ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng và quản lý bảo vệ nhằm khai thác các công trình hạ tầng, nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao tuổi thọ công trình. Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, vận hành cho cán bộ được phân công trực tiếp quản lý, bảo vệ công trình. Sở Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thuộc lĩnh vực, ngành quản lý, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thực hiện có hiệu quả Quy định này.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về các công trình hạ tầng tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí cán bộ theo dõi, tổng hợp báo cáo, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã hướng dẫn các thôn, bản hưởng lợi từ công trình trong việc quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng theo Quy định đã được ban hành.

Đối với các công trình thuộc dự án liên xã, trung tâm cụm xã nằm trên xã nào thì xã đó quản lý. Với các công trình như: trường học, phòng khám đa khoa, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt,... Ủy ban nhân dân huyện giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị chuyên ngành được bàn giao tiếp nhận, có trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình, Ủy ban nhân dân xã quản lý về mặt hành chính. Ủy ban nhân dân cấp xã có công trình hạ tầng, hàng năm xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp và ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ duy tu bảo dưỡng thuộc Chương trình 135, nguồn sự nghiệp và các nguồn tài chính hợp pháp khác để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và hỗ trợ cho công tác quản lý. Nếu vượt khả năng của huyện, tổng hợp báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo hướng giải quyết.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 08/7/2014, thay thế Quyết định số 1112/2008/QĐ-UBND ngày 12/5/2008 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Phê duyệt danh mục dự án “Phát triển du lịch bền vững tại những điểm tiềm năng ở Việt Nam - địa điểm thực hiện tỉnh Thừa Thiên Huế”

Ngày 30/7/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1554/QĐ-UBND về việc Phê duyệt danh mục dự án “Phát triển du lịch bền vững tại những điểm tiềm năng ở Việt Nam - địa điểm thực hiện tỉnh Thừa Thiên Huế” do Quỹ One UN Funds tài trợ thông qua tổ chức ILO và  tổ chức UNESCO với tổng vốn dự án: 230.500 USD, trong đó: vốn ODA không hoàn lại: 230.500 USD. Thời gian thực hiện dự án: 18 tháng (2014-2015). Mục tiêu dự án là Phát triển năng lực và nguồn nhân lực tại địa phương thông qua đào tạo hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, sinh kế bền vững trong tương lai; Thúc đẩy, quảng bá phát triển du lịch cộng đồng; Tăng cường các nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch.

Các hoạt động triển khai: phát triển điểm đến du lịch sinh thái - làng quê Thanh Toàn: Phát triển sản phẩm, quản lý điểm đến, nâng cao năng lực: Tập huấn cho Ban Quản lý du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng trong lĩnh vực du lịch và kinh doanh, tiếp thị và truyền thống: nghiên cứu thị trường, đánh giá, lập sơ đồ và lắp đặt thi công hệ thống thông tin…; Quảng bá tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối A Lưới với miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam: tổ chức đối thoại công - tư theo chủ đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, tham vấn cộng đồng…; Hỗ trợ liên tuyến: Rà soát và bổ sung kế hoạch tiếp thị hiện có, lồng ghép quảng bá các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, xây dựng năng lực các cơ quan nhà nước…; Đẩy mạnh môi trường kinh doanh trong ngành tại tỉnh Thừa Thiên Huế: nâng cao nhận thức về du lịch trách nhiệm và bền vững cho khối doanh nghiệp,  phát triển đội ngũ nhân sự cho các khách sạn, nhà hàng nhỏ quanh điểm du lịch cộng đồng…; Tổng hợp các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách.

 

670 triệu đồng hỗ trợ xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định 1551/QĐ-UBND ngày 30/7/2014 phê duyệt danh sách xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; danh sách xã, phường, thị trấn thí điểm phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng năm 2014 với tổng kinh phí tổ chức thực hiện 670 triệu đồng, được trích từ nguồn Chương trình phòng chống tệ nạn xã hội được Trung ương hỗ trợ về công tác phòng chống tệ nạn xã hội bố trí trong dự toán năm 2014.

Theo Quyết định, có 11 xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm. Mỗi xã, phường, thị trấn được hỗ trợ 20 triệu đồng; Hỗ trợ 09 mô hình thí điểm phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi mô hình được hỗ trợ 30 triệu đồng; và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 09 Ban chỉ đạo Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Huế, các thị xã, các huyện và 27 xã phường trọng điểm, mỗi đơn vị được hỗ trợ 5 triệu đồng.

 

Thành lập Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1550/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo Quyết định Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thừa Thiên Huế do Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; Thường trực Hội đồng là ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính và các ủy viên Hội đồng gồm: Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Phạm Minh Kiên, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, các thị xã và thành phố Huế nơi có đất. Trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm lãnh đạo các đơn vị liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia tư vấn giá đất tham gia Hội đồng. Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ thẩm định phương án giá đất để:

Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;

Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức phải nộp tiền sử dụng đất;

Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;

Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;

Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Tính tiền thuê đất đối với tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật Đất đai.

Tính tiền thuê đất đối với người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án.

Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê.

 

Sửa đổi, bổ sung quy định tạm thời mức chi cho công tác tổ chức các kỳ thi

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1575/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung quy định tạm thời  mức chi cho công tác tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, thi tuyển vào các lớp đầu cấp phổ thông, bổ túc văn hoá, thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và tập huấn học sinh giỏi để dự thi quốc gia từ học kỳ 2 năm học 2013-2014.    Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2014; những quy định khác tại Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 02/11/2012 của UBND tỉnh không trái với Quyết định này vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành.

Theo đó, Mức chi cho công tác ra đề kiểm tra khảo sát chất lượng đầu cấp (lớp 6, lớp 10) được tính bằng 70% mức chi ở phụ lục kèm theo Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 02/11/2012”; Sửa đổi, bổ sung  tiết 2.1 mục 2 của  phụ lục kèm theo Quyết định 2033/QĐ-UBND ngày 02/11/2012 như sau: “Chi ra đề đề xuất để lựa chọn, xây dựng mới đề thi (Đối với câu tự luận và trắc nghiệm)”

Sửa đổi, bổ sung tiết 2.2 mục 2; tiết 4.1 mục 4 của  Phụ lục kèm theo Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 02/11/2012 như sau:

Số TT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Mức chi (1.000đ)

Ghi chú

 
 

2

Ra đề thi

 

 

 

 

2.2

Chi cho công tác ra đề thi chính thức và dự bị

 

 

Chi soạn thảo và phản biện đề thi chính thức, đề thi dự bị có kèm theo hướng dẫn chấm, biểu điểm (dụng cụ, hóa chất và mẫu vật thực hành - nếu có)

 

 

- Thi học sinh giỏi cấp tỉnh

Người/ngày

500

Tối đa không vượt quá 3 trđ/đề;đề thi thực hành không vượt quá 1,5 trđ/đề

 

 

- Các kỳ thi còn lại cấp tỉnh

 

 

 

 

 

+ Thi trắc nghiệm

Người/ngày

300

Tối đa không vượt quá 1,8 trđ/đề

 

 

+ Thi tự luận

Người/ngày

400

Tối đa không vượt quá 2,25 trđ/đề

 

 

+ Thi nói ( môn Ngoại ngữ)

Người/ngày

400

Tối đa không vượt quá 2,25 trđ/đề (1bộ đề chính thức, 1 bộ đề dự bị/ 1 đợt)

 

4

Tổ chức chấm thi

 

 

 

 

4.1

Chấm bài thi tự luận, bài thi nói và bài thi thực hành

 

 

 

 

 

- Thi tốt nghiệp

Bài

12

Chấm bài bài thi viết ngôn ngoại ngữ 6 ngàn đồng (50%)

 

 

- Thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên:

 

 

 

 

 

+ Môn chuyên

 

40

 

 

 

+ Môn không chuyên

 

12

 

 
 

 

23,3 tỷ đồng quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu vừa ký ban hành Quyết định số 1552/QĐ-UBND phê duyệt đề án Quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, với tổng nguồn vốn dự kiến 23,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương 15,25 tỷ đồng, phần còn lại là nguồn vốn địa phương và nguồn vốn khác.

Mục tiêu của đề án nâng số lượt người được tư vấn về nghề nghiệp, việc làm và các chính sách, pháp luật của Nhà nước bình quân hàng năm trong giai đoạn 2015- 2020 đạt 36.600 lượt người; Số người được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động bình quân hàng năm đạt 10.700 lượt người; Số lao động tìm được việc làm qua các Trung tâm dịch vụ việc làm bình quân hàng năm đạt 5.300 người; Số người được đào tạo nghề qua các Trung tâm dịch vụ việc làm bình quân hàng năm đạt 1.500 người.

Đề án đã nêu rõ một số nhóm giải pháp nhằm tạo điều kiện để các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sớm được hình thành, củng cố nâng cấp và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần điều tiết thị trường lao động, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn từ nay đến năm 2020, như: Nhóm giải pháp về đầu tư, huy động vốn; Nhóm giải pháp về phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm; Nhóm giải pháp tăng cường cơ sở vật chất; Nhóm giải pháp về quản lý.

 

Thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Đình Đôi - Cửa Cạn, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu vừa ký ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Đình Đôi - Cửa Cạn, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc dựa vào cộng đồng, với diện tích rộng 14ha.

Khu Bảo vệ thuỷ sản Đình Đôi - Cửa Cạn, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc được xây dựng dựa vào cộng đồng, nhằm mở rộng, phát triển mạng lưới các khu bảo vệ thủy sản trên toàn đầm phá, vùng nước nội địa Tam Giang - Cầu Hai, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản.

Trong khu bảo vệ thủy sản Đình Đôi - Cửa Cạn sẽ nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh, gồm: Khai thác thuỷ sản (động vật và thực vật thuỷ sinh); Nuôi trồng thuỷ sản (động vật và thực vật thuỷ sinh); Chăn thả gia cầm, trâu, bò và các động vật khác vào khu bảo vệ; Xây dựng các công trình sản xuất (kể cả công trình nhà ở).

Chi hội Nghề cá Đầm phá Trung Hưng, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật gây hại và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý các hành vi vi phạm, gây hại đến Khu Bảo vệ thủy sản Đình Đôi - Cửa Cạn.

 

Nâng vị trí xếp hạng PAR Index của tỉnh trong năm 2014 - 2015 lên nhóm 15 - 25/63 tỉnh, thành phố của cả nước

Năm 2012, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế xếp vị thứ 41/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Theo Bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) thì thang điểm đánh giá là 100 điểm, gồm 2 phần: Các tỉnh, thành phố tự đánh giá là 62 điểm; đánh giá thông qua điều tra xã hội học là 38 điểm. Kết quả điểm Bộ Nội vụ đánh giá tỉnh là 44,50/62 điểm, điều tra xã hội học là 30,35/38 điểm.

Với mục tiêu nâng vị trí xếp hạng PAR Index của tỉnh từ vị trí 41 (năm 2012) lên nhóm 15 - 25/63 tỉnh, thành phố của cả nước trong năm 2014 - 2015, ngày 28/7/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2014 và năm 2015.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở: Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế ban hành, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản theo chức năng, nhiệm vụ, cụ thể:

Sở Nội vụ: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC hàng năm; Lập Báo cáo CCHC hàng năm theo đúng nội dung và thời gian quy định; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC hàng năm; Ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm; Lập Báo cáo Kế hoạch kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm; Ban hành Kế hoạch kiểm tra, đánh giá đối với các nhiệm vụ đã phân cấp cho cấp huyện và các đơn vị trực thuộc; Xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức của tỉnh hàng năm; Tham mưu UBND tỉnh tiến hành đánh giá công chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; Tham mưu UBND tiến hành thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, tiến hành thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo cấp sở và tương đương trở xuống; Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút người có tài năng vào bộ máy hành chính; Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC hàng năm để trình UBND đúng thời gian quy định.

Sở Khoa học và Công nghệ: Lập Báo cáo về việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính của tỉnh hàng năm; Xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2015 có trên 50% đơn vị cấp xã được công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008; Chịu trách nhiệm tổng hợp nhiệm vụ trong đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm tại Mục 7.3: Áp dụng ISO trong hoạt động của các cơ quan hành chính.

Sở Tài chính: Lập Báo cáo về cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính tại cơ quan hành chính, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Tham mưu UBND tỉnh đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc tỉnh; Tham mưu việc bố trí kinh phí CCHC hàng năm cho từng nhiệm vụ thể tại Kế hoạch CCHC của UBND tỉnh; Hàng năm tổng hợp kinh phí CCHC báo cáo UBND tỉnh; Chịu trách nhiệm tổng hợp nhiệm vụ trong đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm tại các Mục 6.1, 6.2, 6.3 của Phần 6: Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Sở Thông tin và Truyền thông: Ban hành Kế hoạch tuyên truyền CCHC; Ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT của tỉnh hàng năm; Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành cấp tỉnh lựa chọn để thực hiện đảm bảo trên 10 dịch vụ công mức độ 03, trên 02 dịch vụ công mức độ 04 trong năm 2014 và tăng thêm vào những năm sau; Chịu trách nhiệm tổng hợp nhiệm vụ trong đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm tại Mục 1.4: Công tác tuyên truyền CCHC; Mục 7.1, 7.2 của Phần 7: Hiện đại hóa hành chính.

Sở Tư pháp: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng VBQPPL hàng năm; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa VBQPPL hàng năm; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện VBQPPL hàng năm; Lập Báo cáo Kết quả kiểm tra việc thực hiện VBQPPL hàng năm; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC hàng năm; Lập Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá TTHC hàng năm; Chịu trách nhiệm tổng hợp nhiệm vụ trong đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm tại Phần 2: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; Phần 3: Cải cách thủ tục hành chính; Chịu trách nhiệm Báo cáo tình hình và việc xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh xem xét đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định đối với trên 80% số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện trong giai đoạn từ nay đến 2015; Phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Phú Lộc, thị xã Hương Trà và thành phố Huế đẩy nhanh tiến độ xây dựng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại theo Đề án đã được phê duyệt.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã hàng năm; Chịu trách nhiệm tổng hợp Báo cáo nhiệm vụ trong đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC hàng năm tại Mục 5.6: Cán bộ, công chức cấp xã; Mục 8.2: Số lượng thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Mục 8.3: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và mức độ hiện đại hóa của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

 

Kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015

Nhằm hình thành và phát triển các thương hiệu đặc sản của tỉnh có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa, ổn định chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống và tạo sự lan tỏa, phát triển các lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực du lịch - dịch vụ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Huế và văn hóa Việt. Đồng thời tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của tỉnh, ngày 28/7/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 28/7/2014 về phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015.

Các sản phẩm được đưa vào kế hoạch để phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản gồm: các sản phẩm được lựa chọn từ 89 sản phẩm đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 06/9/2013 của UBND tỉnh; Chọn các sản phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập; Các sản phẩm có nguy cơ bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; Các dự án có chủ thể quản lý và tổ chức thực hiện (có tiềm lực tài chính và nhân vật lực); Sản phẩm đã có thương hiệu tương đối ổn định để xây dựng thành mô hình điểm để nhân rộng.

Theo đó, sẽ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận từ 3-4 sản phẩm, gồm: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Huế cho sản phẩm Bún bò Huế; Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cơm vua Huế” (một sản phẩm của Cơm cung đình Huế); Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản Mè xửng Huế và sản phẩm đặc sản Ruốc Huế.

Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 1-2 sản phẩm, gồm: Sản phẩm đặc sản Bún bò Huế và sản phẩm đặc sản Mè xửng Huế.

Tổ chức quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý: Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên Huế; Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Tôm chua Huế cho sản phẩm tôm chua của tỉnh Thừa Thiên Huế; Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Dầu tràm Lộc Thủy cho sản phẩm dầu tràm của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể sản phẩm đúc đồng của Làng nghề đúc đồng thành phố Huế; Tổ chức hội thi trái ngon thanh trà Huế theo quy mô toàn tỉnh và mở rộng thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng thông qua việc áp dụng sáng chế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch này sẽ được triển khai bằng 11 dự án và 7 hoạt động hỗ trợ khác, với kinh phí hơn 3 tỉ đồng.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; đẩy mạnh thi đua trên mọi lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 và các năm tiếp theo, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI

 Theo kế hoạch, Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng): chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phát động các phong trào thi đua; Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương rà soát các đối tượng có công trong các cuộc kháng chiến còn tồn đọng đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ đề nghị truy tặng và phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế thi đua, khen thưởng của tỉnh theo đúng quy định; Hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua cụ thể.

Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tổ chức tuyên truyền các phong trào thi đua, các hoạt động kỷ niệm; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tạo không khí thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội;  Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo, Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức các cuộc triển lãm, thi viết về phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; theo dõi, đánh giá, đề xuất các hình thức khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền.

Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về các phong trào thi đua ở các đơn vị, địa phương nhằm hướng tới kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, tiến tới Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IV, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vào năm 2015. Gắn việc tuyên truyền các điển hình tiên tiến với các phong trào thi đua yêu nước, với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị; Tổ chức, phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành, đơn vị, địa phương. Mỗi đơn vị, địa phương đăng ký phấn đấu từ 01- 02 công trình cụ thể để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IV vào năm 2015.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch này; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

 

Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014-2018

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014-2018 với mục tiêu từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng, chủ động xây dựng vùng an toàn dịch cúm gia cầm, tạo nền tảng để chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam từ sau năm 2018; Tập trung khống chế làm giảm số lượng ổ dịch trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm và xử lý nhanh các ổ dịch (nếu có) không để lây lan; 100% các ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện và báo cáo; trên 90% các đàn vịt có tổng đàn 50 con trở lên ở vùng nguy cơ cao được tiêm phòng; kiểm soát tốt việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm. Đến năm 2018, cơ bản khống chế được bệnh cúm gia cầm, cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm độc lực cao trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nêu rõ những nội dung hoạt động như: Phân vùng; Giám sát dịch bệnh; Xử lý ổ dịch; Tiêm vắc xin phòng bệnh; Kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; Xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh cúm gia cầm; Nâng cấp việc giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm; Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

 

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh chấn chỉnh tình trạng xe quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên địa bàn tỉnh

Nhằm chấn chỉnh tình trạng xe quá khổ, quá tải trọng lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là vào ban đêm và trên trục đường tránh Huế - QL1A – cảng Chân Mây; chấn chỉnh công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe và lực lượng liên ngành có dấu hiệu lơ là, buông lỏng khi thi hành công vụ, kiểm soát chưa chặt chẽ, để phương tiện vi phạm né trạm, vượt trạm, gây bức xúc cho dư luận, làm giảm hiệu quả hoạt động của Trạm. Ngày 29/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND yêu cầu:

Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

Xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát Trạm kiểm soát tải trọng xe; xử lý nghiêm đối với cán bộ, nhân viên vi phạm quy trình công tác, có hành vi tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định.

Khẩn trương nghiên cứu Quy chế phối hợp số 95/QCPH-BGTVT-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2014; rà soát lại Kế hoạch liên ngành để kịp thời điều chỉnh, điều động lực lượng tham gia làm việc tại trạm phù hợp với tình hình thực tế, tuyệt đối không để xe vi phạm quá khổ, quá tải trọng né trạm, vượt trạm lưu thông trên đường bộ.

Định kỳ vào ngày 05 hàng tháng, báo cáo kế hoạch phân công nhiệm vụ của các lực lượng tham gia làm việc tại Trạm về thường trực Ban ATGT tỉnh và UBND tỉnh để theo dõi, giám sát, chỉ đạo (báo cáo lần 01 vào ngày 05/8/2014).

Chỉ đạo lực lượng chức năng, phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ II.6, khảo sát hiện trường, cắm biển cấm dừng, cấm đỗ tại các vị trí thường xuyên có xe vi phạm dừng, chờ để tìm cơ hội vượt trạm (đặc biệt là khu vực trước cây xăng, nhà hàng, quán cơm….); ưu tiên tập trung cắm biển cho đường tránh Huế, Quốc lộ 1A; xử lý, xử phạt nghiêm các phương tiện dừng, đậu, đỗ sai quy định; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 15/8/2014. 

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông theo nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, có mặt thường xuyên, liên tục 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần tại Trạm; thực hiên nghiêm việc dừng xe, lập biên bản vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm; kể cả trong trường hợp lực lượng Công an chưa có mặt hoặc không có mặt (theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải tại Chỉ thị số 11/CT-BGTVT ngày 09/5/2014).

Giám đốc Công an tỉnh:

Chỉ đạo cán bộ tham gia lực lượng liên ngành tại Trạm chấp hành nghiêm theo kế hoạch, nhiệm vụ đã phân công.

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, xây dựng kế hoạch tuần tra, giám sát tình hình thực thi công vụ của lực lượng liên ngành tại Trạm; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sỹ không hoàn thành nhiệm vụ, có dấu hiệu vi phạm khi thi hành công vụ tại Trạm; báo cáo các trường hợp vượt thẩm quyền về UBND tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định.

Chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng cò mồi lấy tiền của lái xe dẫn qua Trạm cân, có dấu hiệu phục vụ lợi ích nhóm theo như phản ánh của báo chí và dư luận; có biện pháp phòng, chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát bảo vệ và cơ động, Cảnh sát trật tự, căn cứ chức năng nhiệm vụ kiên quyết xử lý các trường hợp chống đối, chống người thi hành công vụ, các đối tượng gây mất trật tự khu vực đặt Trạm cân; phối hợp với các lực lượng liên ngành có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phương tiện dừng, đỗ né tránh Trạm cân trên đường, cây xăng, quán cơm… Xử lý nghiêm các phương tiện đậu, đỗ sai quy định;

Chỉ đạo Công an địa phương có giải pháp điều động, tăng cường, hỗ trợ ngay khi có yêu cầu của Trưởng Trạm.

Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Bố trí lực lượng tham gia lực lượng liên ngành, thực hiện nghiêm theo chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp số 95/QCPH-BGTVT-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2014;

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng liên ngành thực hiện tốt việc kiểm soát tải trọng xe qua địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với các trường hợp vi phạm thuộc sự quản lý của ngành.

Trạm trưởng Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động

Hàng ngày, tổ chức ghi chép Nhật ký và nhận xét đánh giá việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng (từng cán bộ, chiến sỹ). Trong trường hợp cán bộ, chiến sỹ, thanh tra viên, nhân viên vận hành cân thiếu tích cực hoặc không chấp hành sự phân công của Trạm trưởng - Trưởng Đoàn phải báo cáo kịp thời Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp để có biện pháp xử lý điều chuyển, thay thế cán bộ khác và phân công cán bộ này không làm nhiệm vụ liên quan đến việc tuần tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông;

Xử lý kịp thời đối với cán bộ, nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi vi phạm quy trình vận hành Trạm cân, hành vi tiêu cực.

Nếu để phương tiện vi phạm quá tải trọng lưu thông trên đường bộ, vượt trạm mà nguyên nhân chủ yếu do lực lượng liên ngành tại trạm thì Trạm trưởng, cá nhân có liên quan chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Giám đốc Đài HTV, TRT và Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế:

Tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền về Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh; tác hại của việc chở hàng quá tải và các chế tài xử phạt.

Phát hiện và phản ánh kịp thời gương người tốt việc tốt và những việc làm sai trái cần lên án trong quá trình Kiểm soát tải trọng xe.

Có kế hoạch thực hiện các phóng sự điều tra; kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý, xử phạt theo quy định.

Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh:

Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để biết và chấp hành, điều khiển phương tiện đúng tải trọng.

Phối hợp với các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin truyền thông tăng cường công tác giám sát các lực lượng liên ngành, các hành vi tiêu cực của các lái xe, chủ xe; kịp thời phản ánh hoặc báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh hoặc xem xét, xử lý theo quy định.

Theo dõi, đôn đốc và tổng hợp các báo cáo kế hoạch phân công nhiệm vụ của lực lượng tham gia làm việc tại Trạm từ Sở Giao thông vận tải; báo cáo UBND tỉnh khi có yêu cầu.  

Công an các huyện, thị xã, thành phố Huế:

Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các xe vi phạm, đậu đỗ sai quy định thuộc trách nhiệm, địa bàn quản lý; báo cáo các trường hợp vượt thẩm quyền để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Phối hợp với lực lượng liên ngành tham gia tuần tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải; có phương án bố trí, điều động lực lượng tham gia làm việc tại Trạm khi có yêu cầu.

Tin từ: www.thuathienhue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 139.396
Truy câp hiện tại 186