Nhân kỷ niệm 39 năm ngày giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2014) và ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, tôi ghi lại dấu ấn không phai mờ của một người trong lớp đã hy sinh anh dũng góp phần cho thắng lợi của dân tộc. Chính những người này đã truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha anh. Đó là Anh hùng - Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm - cô gái xứ Huế dịu dàng, xinh đẹp, hồn nhiên.
Gia đình tôi và gia đình Thùy Trâm là đồng hương gần gũi thân quen nhau từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa. Ba mẹ tôi và ba mẹ Thùy Trâm coi nhau như anh chị em họ hàng trong gia đình. Thùy Trâm sinh ở Thanh Hóa năm 1942. Ba mẹ Thùy Trâm làm việc trong ngành y tế Thanh Hóa, sau đó chuyển ra Hà Nội. Bà Thùy Trâm là bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, một phẫu thuật viên giỏi của Bệnh viện Saint-Paul Hà Nội, ông còn là giảng viên của Trường Cán bộ Y tế T.W. Mẹ là dược sĩ cao cấp làm việc ở Đại học Dược Hà Nội. Trong gia đình từ mẹ cho đến các chị em gái đều có tên Trâm. Mẹ là Ngọc Trâm rồi đến Thùy Trâm, Kim Trâm, Hiền Trâm, Phương Trâm. Nhà của gia đình Thùy Trâm ở tập thể nhưng phải di chuyển nhiều nơi quanh Hà Nội, nhất là những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Từ tập thể Trường Cán bộ Y tế T.W ở Giảng Võ, chuyển về khu tập thể Trường Đại học Dược, gần dốc Thọ Lão phố Lò Đúc, rồi dọn về khu tập thể Trung Tự và bây giờ là ngôi nhà riêng ở đường Đội Cấn.
Thùy Trâm học trên tôi một lớp ở Trường Đại học Y khoa Hà Nội (khóa 1961-1966). Chúng tôi đi học, thực tập ở bệnh viện, lên lớp ở các giảng đường cho nên gặp nhau hàng ngày, rồi sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt Thanh niên, lao động xây dựng ký túc xá ... Tôi nhớ rõ mỗi khi gặp nhau Thùy Trâm đều cười rất tươi, vui vẻ chào “Anh Cương đấy à !”. Thùy Trâm là cây văn nghệ của trường. Hồi đó chúng tôi và Thùy Trâm hay hát các bài nhạc xanh của Liên xô cũ như : Đôi bờ, Cây thùy dương, Chiều Max-cơ-va, Thời Thanh niên sôi nổi, Bài ca Xôn-vây ... cùng với những bài hát cách mạng như: Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu, Bài ca hy vọng, Tình ca…
Còn nhớ hồi đó thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật, ngày lễ khi có bữa “ăn tươi” thời bao cấp, ba mẹ Thùy Trâm đều bảo tôi đến ăn cơm cùng gia đình, mấy chị em Thùy Trâm cùng vào bếp làm cơm “đãi khách”. Những bữa cơm ấm cúng, vui vẻ, có món ăn Huế quê hương, đầy ắp không khí hạnh phúc gia đình đoàn tụ thời chiến tranh phá hoại.
Khóa học của Thùy Trâm tốt nghiệp ra trường năm 1966. Một số xung phong đi chiến trường B (miền Nam) phục vụ chiến đấu trong đó có Thùy Trâm. Trước khi lên đường, Thùy Trâm được bổ túc thêm chuyên khoa ngoại và chuyên khoa mắt. Thời kỳ đó được tham gia trực tiếp chiến đấu chống Mỹ với khí thế hừng hực sục sôi căm thù là nghĩa vụ và vinh dự của thế hệ trẻ. Hai câu thơ của Tố Hữu như tiếp thêm sức mạnh thúc dục chúng tôi lên đường : Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai ! Thùy Trâm phụ trách bệnh viện dã chiến huyện Đức Phổ - Quãng Ngãi, được kết nạp Đảng ngày 27 tháng 3 năm 1968
... Khi còn công tác ở Hà Nội, tôi đã nghe tin Đặng Thùy Trâm hy sinh, rồi người cha bị tai biến mạch máu não do bị cú “sốc” quá nặng. Tôi đến thăm ông ở nhà tập thể gần dốc Thọ Lão. Ông nằm bất động, liệt 1/2 người nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo, đôi mắt nhìn xa xăm với những giọt nước mắt nhớ thương người con gái yêu dấu lăn dài trên má ông. Tôi cảm động nói không nên lời trước mặt ông bà và các em của Thùy Trâm. Được biết ông qua đời sau đó ít năm. Trong một lần đi công tác ở Hà Nội, rất tình cờ tôi lại đọc được tin buồn của gia đình ông trên báo Thủ Đô, tôi vội đến viếng ngay tại nhà riêng ở phố Đội Cấn, nhưng linh cửu của ông đã về nơi an nghỉ cuối cùng. Một nén tâm nhang tiễn biệt ông trước bàn thờ nghi ngút khói hương.
Sau năm 1975, qua công việc chuyên môn tôi có gặp bác sĩ Hồ Tấn Phi công tác ở Bệnh viện T.W Huế là người cùng đi B với BS Thùy Trâm, ông đã kể lại cho tôi nghe chuyện chị cùng đồng đội chiến đấu trong một trận đánh bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội ở chiến trường ác liệt huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi năm 1970 khi tuổi đời đang tràn đầy sức sống tuổi thanh xuân !
Sự hy sinh anh dũng thầm lặng của BS Đặng Thùy Trâm đến mãi những năm 90 của thế kỷ trước được thổi bùng lên khi quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” lâu nay lưu giữ ở Mỹ, được trao trả lại cùng với câu chuyện “Đừng đốt vì trong đó đã có lửa” từ một lính Mỹ và người phiên dịch. Sự kiện hy hữu đầy ý nghĩa nhân văn này đã được nhiếu sách báo đề cập đến. Gần đây là bộ phim “Đừng đốt” ra mắt khán giả trong ngoài nước với đạo diễn tâm huyết gốc Huế Đặng Nhật Minh (con trai người thầy đáng kính của chúng tôi là Anh hùng - Liệt sĩ - GS.BS Đặng Văn Ngữ). Qua những dòng nhật ký chưa trọn vẹn và bộ phim “Đừng đốt” cho thấy rõ nét nội tâm của Thùy Trâm, ngoài hình ảnh là một chiến sĩ kiên cường, một thầy thuốc tận tụy, người con gái trẻ nầy cũng rất lãng mạn, luôn có một tình yêu nồng cháy, ước mơ hạnh phúc khát khao ... như chúng ta đã đọc những dòng thư của Thùy Trâm viết cho người thân thương, cũng là một người lính đang ở chiến trường, trước đây cùng học phổ thông với nhau.
Trong một bức thư đề ngày 17 tháng 3 năm 1969 của Thùy Trâm gửi cho M. có đoạn: “…Anh ở đâu? Sao em cảm thấy trái tim mình rỉ máu? Vết thương của con tim sao khó lành đến vậy?...” . Rồi “…giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim…mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không chỉ có lửa đạn…”
Vừa qua, trong ngày giỗ của ba Thùy Trâm tại nhà thờ họ Đặng - 120 đường Mai Thúc Loan, Huế (ngôi nhà đã được UBND TP Huế hỗ trợ trùng tu thông qua dự án “Nhà di sản”); mẹ và em Phương Trâm của Thùy Trâm khi về Huế đã cho gọi vợ chồng tôi sang thắp hương. Trước bàn thờ tổ tiên họ Đặng có di ảnh của BS Đặng Ngọc Khuê và BS Đặng Thùy Trâm, chúng tôi đã thắp nén tâm hương làm sống dậy những kỷ niệm xưa và xin cầu nguyện cho hai linh hồn được mãi mãi bên nhau ở cõi vĩnh hằng.
Quê hương Thừa Thiên Huế có hai người con trung hiếu BS họ Đặng, một thầy một trò được phong tặng danh hiệu cao quí Anh hùng - Liệt sỹ, đó là GS.BS Đặng Văn Ngữ và BS Đặng Thùy Trâm. Hiện nay ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh ... đều đã có tên đường Đặng Văn Ngữ, Đặng Thùy Trâm. Ở Hà Nội có Trường Trung học Y tế Đặng Văn Ngữ, ở Đức Phổ, Quảng Ngãi có Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.
Nguồn: Trang trang thông tin điện tử thành phố Huế ( huecity.gov.vn- Nguyễn cương)