Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch
Ngày cập nhật 16/04/2014

Đó là chủ đề cuộc tọa đàm khoa học do Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào chiều qua (13-4). Tham dự có TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao; các nhà nghiên cứu đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá cao chủ đề được đưa ra và cho rằng, buổi tọa đàm giúp cho lãnh đạo tỉnh có những định hướng, chỉ đạo kiên quyết, triệt để hơn nữa trong phát triển du lịch, gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách; một trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực miền Trung; khẳng định thương hiệu Huế - thành phố Festival đối với thế giới; xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đặc thù “Thành phố sinh thái, thành phố di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.
Đẳng cấp và sự khác biệt
Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trần Đình Thiên lưu ý, cần xác định rõ “đẳng cấp” và “sự khác biệt” của Thừa Thiên Huế với các địa phương khác trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch. Cùng quan điểm trên, TS Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng) cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận Thừa Thiên Huế đang có gì, thiếu gì và nên làm gì để trở thành một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, Huế có địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hệ sinh thái phong phú, đặc thù. Huế có di sản văn hóa đồ sộ và phong phú bậc nhất Việt Nam, trong đó có nhiều di sản đã được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt và Di sản văn hóa thế giới. Huế có đội ngũ các nhà văn hóa, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Huế có mặt bằng dân trí cao, người dân có thái độ tôn trọng với các di sản văn hóa tổ tiên và truyền thống lịch sử; sẵn sàng tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa di sản địa phương cũng như khai thác các di sản văn hóa, truyền thống văn hóa để khai thác du lịch. Quan trọng hơn là có hệ thống giao thông thuận tiện để phát triển du lịch, có hệ thống khách sạn và mạng lưới dịch vụ du lịch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách. Những yếu tố đó chính là đẳng cấp và sự khác biệt riêng có của Huế mà khó nơi nào có được.
TS Trần Thị An (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, Thừa Thiên Huế có một sản nghiệp văn hóa giàu có, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng làm sao để sản nghiệp đó vừa giữ lại được những giá trị truyền thống, vừa phát huy được giá trị phong phú và làm giàu có để phục vụ cho sự hưởng thụ của con người cũng như phát triển của vùng đất này? Đó là một câu hỏi lớn đặt ra cho các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu, người dân của tỉnh và của cả nước. Do vậy, cần phải kết hợp giữa sự định hướng, đầu tư của nhà nước với sự tham gia của người dân; người dân hưởng lợi từ việc phát triển du lịch gắn với phát triển du lịch bền vững và mô hình du lịch cộng đồng. Việc nhìn nhận người dân như một chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch là quan điểm hết sức cần thiết để phát triển du lịch một cách bền vững.
Coi văn hóa là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (TP Huế) cho rằng, hình ảnh Huế - thành phố Festival của Việt Nam ngày càng khá rõ nét. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng TP Huế thành phố Festival của Việt Nam với các nhiệm vụ cụ thể. Do vậy, tỉnh cần khẩn trương có những chương trình, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung trình Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành phố Festival, tạo thế chiến lược để vươn lên, gắn nhiệm vụ xây dựng thành phố Festival với nhiệm vụ chuyển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương như chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ.
TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng, Thừa Thiên Huế đang thiếu tầm nhìn chiến lược trong phát triển văn hóa du lịch, chưa đánh giá đúng vai trò của văn hóa và du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thiếu những giải pháp táo bạo và đột phá trong mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Đặc biệt, thiếu những khu vui chơi giải trí, nơi cung cấp dịch vụ du lịch đúng tầm cho du khách; làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp… nên ít có khả năng lôi kéo du khách trở lại Huế.
Th.S Lư Thúy Liên (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế liên tục thực hiện và nâng tầm lên qua từng năm, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa các di sản văn hóa Huế với phát triển du lịch, làm sao vừa giữ gìn, phát huy nhưng lại vừa không làm ảnh hưởng, hư hại hay giảm tính thiêng liêng của các di sản văn hóa vẫn còn là một bài toán không đơn giản không chỉ đối với riêng Huế. 
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần xây dựng lại chiến lược phát triển văn hóa và du lịch của tỉnh, coi văn hóa là bản sắc của Thừa Thiên Huế, là thế mạnh và là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội; coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng đáng đứng trước kinh tế công nghiệp để từ đó có đầu tư thích đáng cho văn hóa và du lịch để xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch.
Tin từ: www.huecity.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 141.391
Truy câp hiện tại 169