Phường Kim Long là một phường nằm ở phía Tây Thành phố Huế, bên bờ của Bắc Sông Hương. Trước đây là thủ phủ của các Chúa Nguyễn Đàng Trong. Nguyên trước đây là xã Xuân Long, được tách ra từ xã Hương Long, huyện Hương Trà. Đến năm 1983, được Hội đồng Bộ trưởng quyết định đổi tên từ xã Xuân Long thành phường Kim Long theo Quyết định số 03-HĐBT, ngày 06 tháng 01 năm 1983.
Với tổng diện tích tự nhiên là 248,6 ha với tổng dân số: 15.332 nhân khẩu. Toàn phường được chia làm 22 tổ dân phố với 7 khu vực dân cư. Phường có một Đảng bộ với hơn 200 đảng viên, sinh hoạt trong 18 chi bộ trực thuộc; Toàn phường có 328 đối tượng đang được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
Trên địa bàn phường có 03 cơ quan đơn vị của Tỉnh và Thành phố là Bệnh viện tâm thần Tỉnh, Trường Trung cấp nghề Huế, Trung tâm y tế thành phố Huế. Về cơ sở giáo dục: có 01 Trường Trung học cơ sở, 02 trường Tiểu học, 02 trường mầm non công lập, 02 trường mầm non tư thục.
I. Vị trí địa lý
- Phía Bắc: Giáp phường An Hòa.
- Phía Đông: Giáp phường Phú Thuận.
- Phía Nam: Giáp Sông Hương - phường Phường Đúc.
- Phía Tây: Giáp phường Hương Long.
II. Khu vực, Tổ dân phố
Có 7 khu vực dân cư với 22 tổ dân phố:
- Khu vực 1: gồm có các Tổ Dân phố sau: 1, 2, 3, 4.
- Khu vực 2: gồm có các Tổ Dân phố sau: 5, 6, 7.
- Khu vực 3: gồm có các Tổ Dân phố sau: 8, 9, 10.
- Khu vực 4: gồm có các Tổ Dân phố sau: 11, 12, 13.
- Khu vực 5: gồm có các Tổ Dân phố sau: 14,15, 16, 17.
- Khu vực 6: gồm có các Tổ Dân phố sau: 18, 19, 22.
- Khu vực 7: gồm có các Tổ Dân phố sau: 20, 21.
III. Cơ sở Tôn giáo
Phường có 07 cơ sở tôn giáo như sau:
- Niệm Phật Đường Vạn Phú
- Giáo xứ Xuân Long
- Đại Chủng Viện
- Đan viện Carmel
- Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm
- Dòng Thánh Phao Lô
- Dòng Mến Thánh Giá
- Trung tâm nuôi dạy trẻ cô nhi, khuyết tật Sơn Ca.
IV. Về kinh tế
Trước đây Phường Kim Long là một phường thuần nông, tuy nhiên với sự phát triển của đô thị, Tỉnh và Thành phố đã thu hồi đất nông nghiệp để quy hoạch một số khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị tạo cho bộ mặt của phường ngày càng được khang trang hơn.
Nông dân đang dần dần chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng khoai, sắn sang trồng hoa và các nông sản khác theo nhu cầu của thị trường. Một số hộ tận dụng nông nhàn chuyển sang phát triển các nghề làm bánh in, làm mức, nón lá truyền thống của Huế. Đồng thời các cơ sở mộc mỹ nghệ, chạm điêu khắc đang dần phát triển.
Hòa chung với sự phát triển của nền kinh tế thị trường các loại hình thương mại, dịch vụ khác như: kinh doanh ăn uống, giải khát, dịch vụ du lịch, vật liệu xây dựng, vận chuyển hàng hóa … tiếp tục ra đời và phát triển đã tạo sự chuyển biến rõ nét về lĩnh vực thương mại trên địa bàn.
Năm 2002, được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, phường Kim Long đã xây dựng tuyến du lịch Phú Mộng và đưa vào hoạt động, một số gia đình đã mạnh dạn đầu tư một số dịch vụ du lịch, mặc dầu hiệu quả mang lại chưa cao nhưng bước đầu cũng đã góp phần quảng bá những vẻ đẹp tự nhiên của nhà vườn Kim Long và thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan.
V. Văn hóa-xã hội
1/ Văn hóa
Năm 1983 phường đã quy hoạch để xây dựng nhà văn hóa phục vụ nhân dân như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để nhân dân có điều kiện nắm bắt thông tin và tiếp thu, mở mang thêm kiến thức trong cuộc sống. Phong trào TDTT phát triển khá mạnh, cứ 4 năm tổ chức Đại hội TDTT một lần đồng thời tham gia các hoạt động TDTT do Thành phố tổ chức. Năm 2011 đã có 22 tổ dân phố đăng ký xây dựng tổ văn hóa, đến nay có 21/22 tổ dân phố đã được công nhận tổ đạt chuẩn văn hóa lần 2, lần 3. Hiện nay đã có 5 nhà văn hóa tại các khu dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Trên địa bàn phường có 3 ngôi đình làng, trong đó năm 2013 Đình Kim Long được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.
2/Xã hội:
Vào những năm đầu thành lập phường, tỷ lệ hộ nghèo từ 20-25%, sau khi thực hiện chủ trương tái định cư dân vạn đò và tiếp nhận dân từ các nơi giải tỏa khác đến thì hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Nhưng kể từ khi triển khai thực hiện chính sách vì người nghèo thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm thấp còn 2,91%.
VI. An ninh quốc phòng
Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn đặt lên hàng đầu về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng dân quân đủ số lượng đảm bảo chất lượng, đầu tư đồng phục và các trang thiết bị cần thiết, đảm bảo huấn luyện quân sự hằng năm cả chính trị và quân sự. Lực lượng dân quân thường xuyên làm tốt công tác tuần tra, bảo đảm địa bàn, bảo vệ cơ quan, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân Ngoài ra đã tham mưu cho lãnh đạo các phương án tác chiến, chống bạo lọan lật đổ, công tác phòng thủ bảo đảm an toàn làm chủ, tham gia diễn tập quân sự, các phương án phòng thủ, tác chiến, hậu cần. Tham mưu tốt cho lãnh đạo trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bảo lụt.